BTO- Trái thanh long quê hương tôi giờ nổi tiếng lắm. Đi khắp mọi miền đất nước hình chữ S, đâu đâu cũng hiện diện trái long Bình Thuận. Bước ra thế giới, nhìn thanh long là nhiều người biết ngay loại trái cây xuất xứ từ Việt Nam. Mà cũng phải ghi nhận, thanh long Bình Thuận hiện chiếm đến 90% sản lượng xuất khẩu cả nước… Quả là điều kỳ diệu cho trái thanh long trên đường khẳng định vị thế, tựa như câu chuyện cổ tích về chú vịt xấu xí hóa thiên nga lộng lẫy!
Từng trồng làm hàng rào
Là dân Bình Thuận, không ai mà không biết đến và nếm mùi vị trái thanh long quê mình. Có người còn nhớ cây thanh long xuất hiện ở địa phương từ thế hệ cha ông, khi ấy được trồng theo hàng rào. Do thích nghi tốt điều kiện tự nhiên ở vùng nắng gió và có sức sống mãnh liệt, nên thanh long trước kia không cần chăm sóc chu đáo như các loại cây trồng khác. Và dĩ nhiên vào thời điểm đó, trái thanh long chẳng đem lại giá trị kinh tế gì chứ đừng nói đến chuyện dành cho xuất khẩu như bây giờ.
Khí hậu Bình Thuận khá khắc nghiệt, quanh năm hanh khô lại phải hứng gió mùa Tây Nam rồi gió mùa Đông Bắc thổi từ biển vào. Chắc hẳn không có địa phương nào có kiểu khí hậu như thế, ấy vậy mà nó đã góp phần làm nên tính đặc thù cho loài cây “hoang dã”. Từ kết tinh nguồn dinh dưỡng thiên nhiên và sinh lực dồi dào dưới ánh nắng của vùng biển nhiệt đới, trái thanh long Bình Thuận trở nên có vị đậm đà rất riêng. Với những ai sành ăn, có thể dễ dàng nhận biết vị của trái thanh long Bình Thuận không thể lẫn vào đâu so thanh long trồng ở Tiền Giang, Long An…
Trái thanh long quê tôi chỉ được người nông dân chú ý từ cách đây khoảng 20 năm về trước. Theo số liệu thống kê vào năm 1991, diện tích thanh long toàn tỉnh khi đó rất khiêm tốn, độ khoảng 750 ha. Nhưng nhờ những đặc điểm nổi trội: vị thanh mát, màu đỏ rực rỡ, bảo quản lâu ngày trong môi trường tự nhiên… nên loại trái cây này ngày càng được thị trường ưa chuộng. Nhờ đó giá cả tiêu thụ không ngừng tăng lên và thúc đẩy diện tích cây thanh long trên địa bàn tỉnh mở rộng đáng kể. Đến năm 2000, diện tích cây thanh long tại Bình Thuận tăng khoảng 3.220 ha và trong mười năm sau đó (năm 2010) đã phát triển lên hơn 13.400 ha. Trong khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thanh long đến năm 2015 “đóng khung” ở con số 15.000 ha, thì đến cuối năm 2011 diện tích loại cây này tại Bình Thuận đã vượt 18.600 ha.
Trở thành cây “làm giàu”
Từ khi tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thanh long là loại cây trồng được nhiều địa phương khuyến khích phát triển và xem như một giải pháp xóa đói giảm nghèo. Nhưng kỳ diệu thay, không những giúp hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo mà thanh long còn tạo cơ hội cho rất nhiều trường hợp vươn lên làm giàu chính đáng… Được điều này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành chức năng địa phương trong việc tiêu thụ, do vậy thanh long Bình Thuận hiện đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở châu Á thì có Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Singapore… với thị trường châu Âu là Anh, Hà Lan, Pháp, Đức… Gần đây, thanh long Bình Thuận còn lĩnh “ấn tiên phong” và trở thành loại trái cây Việt Nam đầu tiên thâm nhập thành công thị trường rất khó tính là Hoa Kỳ.
Thang long giúp hàng chục ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng |
Để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm, người dân Bình Thuận cũng phát kiến ra phương pháp trồng thanh long chong đèn, cho hoa trái vụ. Thanh long chính vụ được giá, thanh long trái vụ còn được giá cao gấp bội nên những gia đình chỉ với vài ba trăm trụ đã “sống khỏe”, hộ có ngàn trụ là dư của để. Bộ mặt nông thôn ở các địa bàn vùng trọng điểm thanh long từ đó cũng khoác chiếc áo mới: Biệt thự đủ kiểu dáng và sắc màu không ngừng mọc lên, đời sống vật chất cải thiện đáng kể. Sau vài vụ trúng mùa và trúng giá, không ít người dân quê sắm được xe hơi, tay lấm bùn đất vậy mà đã biết điệu nghệ với chiếc vô- lăng… Nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận giờ ý thức lắm, cũng biết chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để nâng tầm giá trị cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiềm năng. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn áp dụng và được tổ chức quốc tế công nhận mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP (trước kia là EurepGAP). Như: HTX Sản xuất thanh long Hàm Minh (31,7 ha), Trang tại Hoàng Hậu (80 ha), Trang trại Ngọc Hân (12 ha), Trang trại Duy Lan (11 ha), Công ty TNHH Bảo Thanh (11 ha), Trang trại Thanh Thanh (9 ha)…
Xứng đáng sản phẩm lợi thế
Với những gì thanh long đem lại cho địa phương về cả giá trị kinh tế lẫn thương hiệu, thì loại trái cây này xứng đáng là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận. Do vậy những năm qua, tỉnh luôn quan tâm và tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp điện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất thanh long trái vụ cho người dân. Một mặt tăng cường chỉ đạo phát triển thanh long theo hướng an toàn, mặt khác đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương còn dự báo thị trường, kịp thời định hướng các doanh nghiệp và hộ dân tham gia sản xuất thanh long đạt hiệu quả cao. Chẳng hạn như: Điều chỉnh thời gian và diện tích chong đèn, không tập trung trên diện rộng để hạn chế sản lượng tăng đột biến, tránh “đụng hàng dội chợ”…
Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định, dự án Xây dựng mô hình thí điểm Doanh nghiệp- HTX- Nông dân tiêu thụ thanh long và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai vào cuối tháng 7/2012 vừa qua. Qua đó cho thấy, sản phẩm lợi thế của Bình Thuận rất được địa phương chú trọng vì ngày càng chứng minh vị trí hàng đầu, đem lại kim ngạch xuất khẩu chủ yếu cho nhóm hàng nông sản. Và hơn nữa, sản phẩm lợi thế này cũng đang gắn với “sinh mệnh” của hơn 22.000 hộ nông dân đang trực tiếp tham gia sản xuất- kinh doanh trái thanh long… Hy vọng với chính sách và giải pháp phù hợp, “rồng xanh” Bình Thuận sẽ tiếp tục bay cao để tiếp nối những điều kỳ diệu của loại trái cây vùng biển nhiệt đới. Như câu chuyện về trái thanh long có giá trị kinh tế cao mà khi sang Trung Quốc tôi đã giới thiệu từng được trồng làm… hàng rào ở Việt Nam. Chẳng biết có ai tin không?
Đ.QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét