BTO- Theo Chi cục Bảo
vệ thực vật tỉnh (BVTV), đến thời điểm này trên địa bàn Bình Thuận không có tình
trạng người dân nuôi ốc bươu vàng bán cho thương lái. Tuy nhiên, nguy cơ tái
phát ốc bươu vàng ở vụ đông xuân 2013-2014 rất lớn, nếu không chủ động phòng
trừ...
Nguy cơ gây hại của ốc bươu vàng
Thời gian qua, tại một số
tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra tình trạng buôn bán, nhân nuôi ốc bươu vàng
thiếu kiểm soát, gây nguy cơ lây lan, phát tán dịch hại, vi phạm các quy định
của pháp luật hiện hành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Ốc bươu vàng được liệt
kê trong danh mục các loài ngoại lai xâm hại, gây hại nguy hiểm đối với lúa và
một số cây trồng dưới nước. Chúng có khả năng sinh sản rất nhanh, sức sinh sản
cao (khoảng 300 - 500 trứng/ốc cái). Trứng ốc bươu vàng nở sau 12 - 15 ngày, tỷ
lệ nở và tỷ lệ sống khoảng 70 - 80%. Đặc biệt, thời gian trưởng thành của chúng
chỉ khoảng 100 ngày, tuổi thọ 3 - 4 năm... Do đó, để kịp thời ngăn chặn các vi
phạm nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã
chỉ đạo các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi
phạm của các tổ chức, cá nhân nuôi, vận chuyển, phát tán ốc bươu vàng. Đặc biệt
nghiêm cấm việc nhân nuôi ốc bươu vàng. Nếu phát hiện, không chỉ xử phạt vi phạm
hành chính mà còn buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Ở Bình Thuận, theo thông tin
từ Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của Cục BVTV, chi cục
đã yêu cầu các trạm tiến hành kiểm tra tại các địa bàn. Đến thời điểm này chưa
phát hiện tình trạng người dân nuôi ốc bươu vàng bán cho thương lái. Tuy nhiên,
số lượng ốc bươu vàng ngoài tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, đồng ruộng... hiện
đang duy trì ở diện tích khoảng 200 - 300 ha, chủ yếu vào giai đoạn lúa con.
Điều đáng lưu ý, khi vụ đông xuân 2013 - 2014 đang chuẩn bị xuống giống, sẽ dễ
bị ảnh hưởng bởi ốc bươu vàng, bởi chúng phát triển mạnh vào mùa mưa và bước vào
mùa khô sẽ nảy nở nhiều. Nhất là những vùng chủ động nước, vùng bị bão lụt...ốc
bươu vàng sẽ trôi theo dòng nước, lây lan nhanh.
Một số biện pháp phòng trừ
Ông Trần Minh Tiến - Chi cục
trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết, ốc bươu vàng là một trong những đối tượng
dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ. Vì vậy, để hạn chế ốc bươu vàng, bà con
cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp. Cụ thể, phải làm đất kỹ, bằng phẳng, tránh
chỗ trũng nước; bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào buổi sáng sớm. Ngoài ra, có thể
sử dụng thức ăn như lá đu đủ, xơ mít, lá khoai...để dẫn dụ tập trung ốc bươu
vàng để thu gom dễ hơn. Đánh rãnh thoát nước (25x 5cm), cách nhau 10 - 15 cm
giúp ốc bươu vàng tập trung để thu gom bằng tay hay xử lý ốc thuận tiện hơn. Bà
con có thể đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, nhằm ngăn ốc xâm nhập
và bắt ốc dễ dàng.
Ở giai đoạn từ khi gieo sạ
đến 21 ngày sau sạ, nông dân cần sử dụng giống tốt có tỷ lệ nảy mầm cao. Bón
phân lót Ure, NPK để giúp lúa non mọc khỏe và giảm thấp số lượng ốc bươu vàng
gây hại; cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương kênh tưới để thu hút
ốc đẻ trứng. Thả vịt vào ruộng ăn ốc non và trứng ốc; thỉnh thoảng rút nước ra
khỏi ruộng, giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển và phá
hoại...Ngoài ra, để phòng trừ ốc bươu vàng, có thể sử dụng thuốc trừ ốc bươu
vàng Milax 100GB dùng để rải và thuốc Pisana 700WP dùng để phun. Trong đó, cần
lưu ý ở vụ đông xuân, bà con nên phun sau khi làm đất 1 - 2 ngày hoặc ngay sau
khi cho nước vào ruộng lần đầu tiên. Tuyệt đối không được sử dụng Pisana 700WP
trộn với hạt giống, vì sẽ ảnh hưởng để mầm lúa...Khuyến cáo người dân chỉ thực
hiện thu gom đối với ốc bươu vàng ngoài tự nhiên, không vì lợi nhuận tức thời mà
nuôi ốc bươu vàng trở lại dưới bất kỳ hình thức nào, tránh phát tán ra môi
trường, gây hại cho mùa màng.
KiỀu HẰng
http://baobinhthuan.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét